VOVC kiên định mô hình đào tạo nhân lực theo hình mẫu nhân lực truyền thông VOV
Một trong những chỉ tiêu quan trọng được nêu tại Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ lên mức 35-40% vào năm 2030 – tăng 6-11% so với hiện nay. Đây không chỉ là mục tiêu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, mà còn là thách thức và cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II. Trong bối cảnh đó, với định hướng đào tạo theo hình mẫu nhân lực truyền thông VOV, nhà trường đã có những chiến lược gì để đón đầu yêu cầu mới? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Kim Ngọc Anh – Hiệu trưởng nhà trường để hiểu rõ hơn về định hướng, tầm nhìn và cam kết đào tạo mà VOVC đang kiên trì theo đuổi.
PV: Thưa thầy, trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chịu nhiều sức ép chuyển đổi, đâu là điều cốt lõi mà VOVC chọn để giữ vững hướng đi của mình?
TS. Kim Ngọc Anh: Câu hỏi này rất sát với những gì chúng tôi luôn trăn trở. Trong bối cảnh nhiều cơ sở đào tạo chạy theo số lượng, xu hướng, thậm chí là nhu cầu thị trường ngắn hạn, VOVC chọn một hướng đi mang tính bản sắc – đào tạo người làm truyền thông theo hình mẫu nhân lực của chính Đài TNVN: giỏi nghề, có đạo đức nghề nghiệp, dấn thân, bản lĩnh và tử tế.
Chúng tôi không hướng tới việc chỉ cung cấp lao động kỹ thuật, mà là bồi đắp người làm nghề toàn diện – vừa vững chuyên môn, làm chủ công nghệ số, vừa có ý thức trách nhiệm với cộng đồng và tư duy độc lập. Đó mới là năng lực lõi để phát triển bền vững trong ngành truyền thông – một lĩnh vực nhạy cảm, biến động, nhưng luôn cần nhân sự có chiều sâu.
PV: Vậy đâu là mô hình giúp nhà trường hiện thực hóa triết lý đào tạo này, thưa thầy?
TS. Kim Ngọc Anh: Chúng tôi theo đuổi mô hình mà tôi gọi là “hệ sinh thái 3 nhà”: Nhà Đài – Nhà Trường – Doanh nghiệp. Đây không phải là khẩu hiệu, mà là một cấu trúc đào tạo có liên kết chặt chẽ, phân công vai trò rõ ràng và cùng chia sẻ trách nhiệm – lợi ích.
Nhà Đài – với vị thế là cơ quan báo chí quốc gia – chính là giảng đường mở, nơi sinh viên được học nghề ngay trong môi trường thật, được các nhà báo, đạo diễn, kỹ thuật viên hướng dẫn trực tiếp. Nhà trường đảm nhiệm việc hệ thống hoá kiến thức, rèn luyện năng lực nền tảng, trong khi doanh nghiệp mang lại trải nghiệm thị trường và yêu cầu thực tế. Đây là điều khiến VOVC trở thành một mô hình đặc thù – không sao chép, không đại trà.
PV: Thầy nhiều lần nhắc đến cụm từ “hình mẫu nhân lực truyền thông VOV”. Thầy có thể nói rõ hơn đó là hình mẫu như thế nào?
TS. Kim Ngọc Anh: Trong 80 năm qua, Đài TNVN không chỉ là cơ quan báo chí quốc gia, mà còn là một biểu tượng về đạo đức nghề, sự dấn thân và niềm tin vào giá trị phụng sự. Những thế hệ nhà báo, kỹ sư, đạo diễn, phát thanh viên… của Đài đã xây nên hình mẫu người làm truyền thông vừa vững vàng về kỹ năng, vừa sâu sắc về nhân cách.
Chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo hướng tới điều đó: người học không chỉ biết quay dựng, viết bài, sản xuất số hoá, mà phải hiểu sứ mệnh của nghề – truyền thông để kết nối, để định hướng, để truyền cảm hứng tích cực cho xã hội. Đó là lý do vì sao VOVC luôn gắn việc học với thực hành, gắn kỹ thuật với đạo đức nghề, gắn giảng đường với đời sống.
PV: Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp sắp bước vào giai đoạn tự chủ hoàn toàn, thầy nhìn nhận cơ hội và thách thức như thế nào?
TS. Kim Ngọc Anh: Tự chủ là xu hướng tất yếu. Với chúng tôi, thách thức không nhỏ: phải chủ động về tài chính, phải linh hoạt về mô hình quản trị, và quan trọng nhất là phải đủ năng lực để tạo giá trị. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng thách thức cũng là chất xúc tác để buộc chúng ta chuyển đổi và trưởng thành.
Chúng tôi không coi tự chủ là gánh nặng, mà là cơ hội để định vị lại vai trò, nâng cao chất lượng đào tạo, và gia tăng mối liên kết với doanh nghiệp, xã hội. VOVC có nền tảng, có thương hiệu, có hệ sinh thái thực hành phong phú từ Đài TNVN – đó là lợi thế mà chúng tôi sẽ phát huy tối đa để giữ vững chất lượng và bản sắc riêng.
PV: Trên cương vị là Hiệu trưởng, thầy mong muốn được gửi gắm kỳ vọng nào tới Đảng bộ và Ban lãnh đạo Đài TNVN trong nhiệm kỳ tới?
TS. Kim Ngọc Anh: Tôi chỉ xin đề xuất hai điều rất cụ thể, nhưng có tính chiến lược dài hạn:
Thứ nhất, mong Đảng uỷ và Ban Thường vụ tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cho cơ sở 2, theo đúng dự án đã phê duyệt trong giai đoạn 2025–2030. Cơ sở vật chất tốt là nền tảng để nâng chất lượng đào tạo.
Thứ hai, rất mong có thể khởi động lại Đề án nâng cấp Trường lên bậc đại học – một đề án đã được xây dựng từ năm 2008. Với vị thế, năng lực và yêu cầu thực tế, việc nâng cấp không chỉ là mong muốn nội tại của VOVC, mà là nhu cầu khách quan của thị trường lao động truyền thông phía Nam.
PV: Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ sâu sắc, thể hiện rõ tầm nhìn và cam kết đào tạo của nhà trường. Chúc VOVC tiếp tục vững bước trên hành trình đào tạo nguồn nhân lực truyền thông chất lượng cao, giàu bản lĩnh và nhân văn!
Có thể nói, với những định hướng phát triển mà TS. Kim Ngọc Anh – Hiệu trưởng Nhà trường xây dựng, Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II đã và đang đào tạo những người biết làm nghề, mà còn hun đúc một thế hệ làm truyền thông bản lĩnh, trách nhiệm và mang dấu ấn nghề nghiệp chuẩn mực. Trước những chuyển biến của giáo dục nghề nghiệp, VOVC kiên định đi theo con đường riêng – gắn tri thức với thực tiễn, kỹ năng với đạo đức, đào tạo với sứ mệnh phụng sự cộng đồng. Kiên định với hình mẫu nhân lực truyền thông mang tinh thần VOV – giỏi nghề, tử tế và dấn thân – VOVC đang từng bước khẳng định vị thế là cái nôi đào tạo đặc thù, góp phần bồi đắp chất lượng, bản sắc và chiều sâu cho truyền thông Việt Nam trong thời đại mới.
VOVC MEDIA