Sản phẩm bài tập kết thúc môn Kỹ thuật quay phim: Khi vận dụng các kiến thức phải đi kèm sáng tạo

Đối với các môn học chuyên ngành tại trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, “thực hiện sản phẩm” cuối kỳ là hình thức chiếm từ 70 - 90 % đối với việc “Thi kết thúc môn”. Đặc biệt trong các khối ngành kỹ thuật như ngành Quay Phim, Thiết kế đồ họa, Tin học ứng dụng và Công nghệ kỹ thuật điện tử & truyền thông thì việc “Thực hiện sản phẩm” là hình thức chiếm 95% cho việc “Thi kết thúc môn” của sinh viên, thể hiện tính quan trọng cho việc đánh giá của giảng viên bộ môn về quá trình học tập của sinh viên.

Với đặc trưng của một trường Cao Đẳng nghề, ngoài việc lấy sản phẩm kết thúc môn điểm đánh giá chính, nhà trường còn đặt các yêu cầu về nội dung và hình thức sản phẩm phải theo sát được thực tiễn nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị. Đây chính là phương châm đào tạo Học là trải nghiệm với thực tiễn mà Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II đã thực hiện trong suốt 10 năm qua. Điều này không chỉ giúp sinh viên ra trường nhanh chóng có được việc làm, mà ngay từ khi còn đi học, sinh viên có thể xác định được các sở trường, sở đoản của bản thân để có định hướng học tập và rèn luyện.

Môn Kỹ thuật quay phim là một trong những môn học điển hình cho việc giảng viên đánh giá năng lực và ý thức học tập của sinh viên 100% dựa trên phần “Thi kết thúc môn” với hình thức “thực hiện sản phẩm”. Đây là môn học chung cho các ngành Quay Phim, Thiết kế đồ họa, nằm trong chương trình đào tạo của ngành Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện. Với 45 tiết là 2 tín chỉ, sinh viên sẽ được lên lớp với 15 tiết lý thuyết và sau đó là 30 tiết thực hành trong điều kiện đủ phương tiện máy móc và phòng học chuyên dụng. Trong tổng 30 tiết thực hành, sinh viên sẽ học 15 tiết thực hành quay phim và 15 tiết thực hành dựng phim. Ở từng lớp học, sinh viên sẽ được chia thành các tổ, mỗi tổ gồm 18 - 25 bạn, từ các tổ lại chia thành các nhóm (Mỗi nhóm gồm 4 - 5 bạn). Sau khi hoàn thành xong phần học lý thuyết và phần học thực hành, với “lưng vốn” kiến thức cơ bản, giảng viên sẽ định hướng cho sinh viên cách chọn chủ đề, dựa vào sở trường và lực học của các thành viên và các bước thực hiện bài tập, sao cho phát huy được thế mạnh của nhóm, hoàn thành sản phẩm và nộp về cho giảng viên.

Về lý thuyết, sinh viên cần phải nắm được các yêu cầu về kỹ thuật như biết sử dụng máy quay cùng các phương tiện hỗ trợ khác. Đồng thời, sinh viên cần nắm vững các kiến thức và kỹ năng chuyên môn như: Chọn góc máy, thực hiện  động tác máy, ghi hình các cỡ cảnh, sử dụng các thủ pháp quay, dựng phim. Tích hợp hơn là biết kết hợp các động tác máy với nhau để tạo hiệu quả hình ảnh.

Trong số những bài tập kết thúc môn được đánh giá cao, không thể không kể đến video được làm lại từ MV ca nhạc có tên The Fly của sinh viên lớp 22 CĐĐH. Điều đặc biệt ở The Fly là ngay trong những slot hình đầu tiên các “tay máy” đã thể hiện được sự sáng tạo của mình. Những chuyển động khuôn hình và góc máy chính xác đã nâng tầm cho câu chuyện trong MV lên rất nhiều. Đôi lúc người xem sẽ có cảm giác đằng sau của những khuôn hình tuyệt đẹp ấy, với chuyển động máy điệu nghệ ấy là cả một ê-kip hùng hậu chứ không phải do một nhóm sinh viên thực hiện.

 Về tiêu chí sáng tạo nội dung cho video các em sinh viên cần biết xây dựng cốt truyện dựa trên những đặc trưng của ngôn ngữ hình ảnh. Bên cảnh đó cũng cần nắm vững các nguyên tắc về đa dạng cỡ cảnh, cách chuyển cảnh thì toàn bộ video mới đạt được giá trị kể chuyện. Sản phẩm bài tập của sinh viên lớp 22 CĐQP có tên Dù cho mai về sau được làm lại từ MV ca nhạc của Bùi Trường Linh cũng đã được giảng viên đánh giá tốt cho khía cạnh đó. Từ việc xây dựng được một kịch bản video khá, các bạn đã kết nối và xây dựng được một hệ thống hình ảnh khá ăn nhập, cách chuyển cảnh phối cảnh cũng khá nhịp nhàng, trẻ trung.

Không lộng lẫy, xúng xính nhưng mờ nhạt nó đã thể hiện được rõ nét hơn về cả cá tính, xuất thân và vị trí xã hội của các nhân vật. Nhờ thế câu chuyện tình cảm của đôi tình nhân trong video trở nên “đời” hơn, gần với thực tế cuộc sống còn nhiều trắc trở để khẳng định mình của người trẻ, khắc phục được phần nào đó căn bệnh duy mỹ trong nhiều sản phẩm truyền thông hiện nay.

 Cũng về khía cạnh nội dung so với 2 video Dù cho mai về sauThe Fly, Mặt Mộc của sinh viên lớp 22 CĐQP là một sản phẩm bài tập có chất lượng hình ảnh không thua kém thậm chí còn ngang ngửa. Tuy nhiên điều đáng tiếc ở đây là do các bạn quá trung thành với nguyên mẫu là MV Mặt Mộc của ca sỹ Phạm Nguyên Ngọc nên video không có bản sắc riêng. Việc tạo ra một bản sao hoàn hảo mà không có sự đầu tư cho phần sáng tạo là một sự đáng tiếc.

Có thể thấy sản phẩm bài tập kết thúc môn là thời điểm học tập, thực hành thú vị nhưng cũng đầy thử thách đối với sinh viên ở nhiều chuyên ngành tại trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hinh II. Nhưng khi đã tạo ra được một sản phẩm khá, tốt khả năng sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp của các em sẽ được hun đúc thêm nhiều phần. Mọi ước mơ của các bạn sẽ trở thành hiện thực khi các bạn chọn nhận thức đầy đủ về mong muốn nghề nghiệp của bản thân, lựa chọn chuẩn xác và phấn đấu thực hiện.

   Vũ Nga – Tổ truyền thông Tuyển Sinh VOVC